Bộ nhận diện thương hiệu gồm những gì?
Ngày nay, chúng ta thường hay nghe nhắc đến các cụm từ như “hình ảnh thương hiệu”, “tầm nhìn thương hiệu”, “quản lý thương hiệu”, “nhượng quyền thương hiệu”, v.v… Điều này cho thấy thuật ngữ “thương hiệu” đã trở nên vô cùng quen thuộc không chỉ trong lĩnh vực kinh doanh, Marketing mà còn phổ biến sang những lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống.
Tuy nhiên, thuật ngữ “thương hiệu” nội hàm nhiều ý nghĩa sâu sắc mà không phải ai cũng nắm rõ được bản chất vấn đề. Mỗi khi nghe nói đến “thương hiệu”, người tiêu dùng thường có xu hướng liên tưởng và hiểu đó là “nhãn hiệu”. Mặc dù “thương hiệu” và “nhãn hiệu” cùng tồn tại song song nhưng chúng ta thường chỉ nghe nhắc đến “tầm nhìn thương hiệu”,… chứ không ai nói “tầm nhìn nhãn hiệu” cả.
Vì vậy, bài viết này sẽ cung cấp những thông tin hữu ích nhằm giúp các bạn hiểu rõ khái niệm thương hiệu và nắm bắt được những khía cạnh liên quan. Mời các bạn khám phá nội dung dưới đây!
Contents
Thương hiệu là gì?
Thương hiệu (được dịch từ Brand) là tất cả những gì mà người tiêu dùng nghĩ và cảm nhận về một doanh nghiệp. Thương hiệu là tên gọi, thuật ngữ, thiết kế hoặc một hay nhiều tập hợp các dấu hiệu khác giúp nhận biết, phân biệt một tổ chức hoặc một sản phẩm với đối thủ cạnh tranh trong tâm trí người tiêu dùng. Các dấu hiệu đó có thể là tập hợp hoặc đơn lẻ các kí hiệu, chữ cái, con số, sự thể hiện của màu sắc, v.v…

Nói một cách đơn giản, bạn có thể hình dung về một tảng băng đang trôi dạt ngoài đại dương. Nếu bề nổi tượng trưng cho sản phẩm và các dấu hiệu trực giác (nhãn hiệu, biểu tượng, biểu trưng, kiểu dáng và bao bì,…) thì phần chìm chính là những gì mọi người cảm nhận về sản phẩm đó (hình ảnh về sự khác biệt, vượt trội, cảm nhận về lợi ích, rủi ro chất lượng hay giá trị cá nhân khi tiêu dùng sản phẩm,…).
Thật không ngoa khi nói rằng, thương hiệu chính là tài sản vô hình quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp dẫn đầu khi giá trị mà nó đem lại có thể ảnh hưởng lớn đến tổng giá trị của doanh nghiệp.
Nhận diện thương hiệu là gì?
Nếu thương hiệu là tất cả những gì mà người tiêu dùng cảm nhận về doanh nghiệp thì nhận diện thương hiệu chính là những gì họ nhìn thấy về doanh nghiệp đó. Nhận diện thương hiệu bao gồm những hình thức và cách thức mà thương hiệu thể hiện nhằm tác động đến nhận thức của khách hàng.
Nhận diện thương hiệu có ý nghĩa gì đối với doanh nghiệp? Và làm thế nào để doanh nghiệp có nhận diện thương hiệu tốt? Trước hết, nhận diện thương hiệu của doanh nghiệp được đánh giá là tốt khi nó thể hiện được sự khác biệt, nổi bật và cá tính đặc thù của doanh nghiệp đó.

Khi nhận diện thương hiệu có thể đáp ứng được những tiêu chí trên, doanh nghiệp sẽ có cơ hội thu hút thêm khách hàng tiềm năng, khiến họ nhớ đến doanh nghiệp và ghi dấu vào trong tâm trí. Từ đó, động cơ mua hàng sẽ gia tăng và doanh nghiệp có khả năng mở rộng thị phần.
Trong bối cảnh thị trường hiện nay, các sản phẩm và dịch vụ đang ngày càng trở nên đa dạng và được quảng bá rộng rãi trên khắp các phương tiện truyền thông đại chúng. Điều này đã dẫn đến sự rối loạn trong nhận thức của khách hàng khi đánh giá và lựa chọn sản phẩm hay dịch vụ.
Vì vậy, doanh nghiệp nào sở hữu bộ nhận diện thương hiệu tốt và nổi trội hơn so với đối thủ cạnh tranh thì khách hàng sẽ ghi nhớ và lựa chọn sản phẩm thuộc doanh nghiệp đó.
Bộ nhận dạng thương hiệu gồm những gì?
Bộ nhận diện thương hiệu không chỉ đơn giản gồm tên gọi và logo, nó bao gồm tất cả những yếu tố hữu hình của thương hiệu như màu sắc, thiết kế đồ họa,… nhằm tạo nên sự khác biệt rõ ràng giữa các thương hiệu trong tâm trí người tiêu dùng.
Nhận diện qua màu sắc và thiết kế logo
Thông thường, các doanh nghiệp chỉ sử dụng một logo chính để tạo nên sự khác biệt cho thương hiệu. Đôi khi, doanh nghiệp có thể thay đổi logo chính thành những phiên bản khác tùy thuộc vào bối cảnh áp dụng.
Ví dụ, nếu doanh nghiệp muốn sử dụng standee để trưng bày tại các sự kiện hay buổi họp báo, buổi giới thiệu sản phẩm, họ cần chuyển đổi logo chính thành logo khổ dọc để đảm bảo logo dễ nhìn, dễ đọc và phù hợp với kích thước standee.

Ngoài ra, logo chính còn được chuyển đổi thành những phiên bản khác như logo ngang, logo hình vuông,…
Tuy nhiên, doanh nghiệp cần lưu ý rằng logo phải được thống nhất trên tất cả các bao bì hay mẫu mã sản phẩm. Không được thay đổi bất kỳ chi tiết nhỏ nào trên logo, kể cả màu sắc.
Trong trường hợp logo của bạn sử dụng màu đơn sắc, bạn có thể thay đổi màu của logo tùy vào màu nền mà bạn muốn sử dụng. Khi đó, bạn cần nắm vững các nguyên tắc về độ tương phản nhằm tránh gây chói mắt, mỏi mắt cho người xem.
Thiết kế bao bì, tem nhãn trên sản phẩm
Bao bì, tem nhãn đóng vai trò gì trong việc nhận diện thương hiệu của người tiêu dùng? Bạn hãy tưởng tượng mình là khách hàng và đang đi mua sắm tại một siêu thị. Khi lựa chọn sản phẩm, bạn sẽ bị thu hút bởi những bao bì, tem nhãn được thiết kế như thế nào?
Nếu tem nhãn được ghi chú quá nhiều thông tin, người tiêu dùng sẽ không dành thời gian đọc hết toàn bộ mà chỉ chọn lọc ra những thông tin cần thiết để ghi nhớ. Trong trường hợp này, khả năng cao là khách hàng sẽ không có hứng thú với những thông điệp doanh nghiệp muốn truyền đạt và nhanh chóng bỏ qua sản phẩm.
Ngược lại, nếu tem nhãn không cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết về sản phẩm, người tiêu dùng sẽ có xu hướng nghi ngờ về nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là đối với chủng loại thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm,… Điều này sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến uy tín của doanh nghiệp. Một số kiểu bao bì, nhãn mác mà bạn có thể sử dụng cho sản phẩm gồm có: hộp, túi, thẻ, stickers, nhãn, phong bì.
Khi thiết kế tem nhãn, bao bì cho sản phẩm, bạn nên lưu ý ba tiêu chí cơ bản khi sau:
Thiết kế theo thông điệp truyền tải
Hãy truyền tải cảm hứng của doanh nghiệp trong mọi chương trình cũng như trên mọi bao bì, nhãn mác của sản phẩm bởi sự xuyên suốt này có thể làm nên một thương hiệu!
Thiết kế theo đối tượng khách hàng
Đối với những mặt hàng sang trọng, cao cấp phù hợp làm quà biếu, doanh nghiệp nên thiết kế tem nhãn, bao bì trông thật đơn giản, sang trọng. Còn đối với những sản phẩm dành cho trẻ em, bao bì và tem nhãn cần được thiết kế bắt mắt, sặc sỡ nhằm thu hút sự chú ý và thúc đẩy động cơ mua hàng.

Thiết kế theo phương thức bán hàng
Nếu sản phẩm được bày bán trực tiếp tại các cửa hàng, bao bì và tem nhãn nên được thiết kế trông thật bắt mắt, đầy đủ thông tin nhằm thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Trong trường hợp sản phẩm được đẩy mạnh trong bán hàng trực tuyến, tem nhãn phải có đầy đủ thông tin về nguồn gốc, thành phần, thời hạn sử dụng,… nhằm tăng độ tin cậy cho sản phẩm.

Những tiêu chí nêu trên giúp doanh nghiệp đảm bảo sản phẩm của thương hiệu sẽ tác động mạnh mẽ đến thị giác, nhận thức của người tiêu dùng và nhận về những giá trị khách hàng.
Bộ nhận diện ấn phẩm văn phòng
Ấn phẩm văn phòng (Stationery Branding) cần được thiết kế sao cho giao diện và hình dáng phù hợp với phong cách của doanh nghiệp. Một số ấn phẩm văn phòng cơ bản bạn có thể áp dụng như: danh thiếp, phong bì thư khổ lớn/ nhỏ, giấy giới thiệu, bìa trình ký, bìa hồ sơ, thẻ nhân viên,…
Để xây dựng nhận diện thương hiệu tốt, doanh nghiệp cần sử dụng nhận diện thương hiệu mọi lúc mọi nơi. Không chỉ ngoài công ty, việc sử dụng nhận diện thương hiệu trong nội bộ công ty sẽ tạo lập nên giá trị cá biệt của doanh nghiệp, đồng thời thống nhất được hình thức đội ngũ nhân viên (card visit, đồng phục,…). Ngoài ra, thực hiện bộ nhận diện theo phương thức này có thể góp phần vào văn hóa của doanh nghiệp.
Bộ nhận diện thương hiệu Marketing
Một hình thức nhận diện thương hiệu cực kỳ hiệu quả mà doanh nghiệp không nên bỏ qua chính là thông qua Marketing. Chúng ta đều biết, Marketing đóng vai trò vô cùng quan trọng trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Khi bạn ứng dụng Marketing để góp phần phát triển cho doanh nghiệp của bạn, chúng tôi áp dụng nó để kinh doanh hiệu quả sản phẩm handmade của mình.
Có những hình thức mà bạn có thể sử dụng cho bộ nhận diện thương hiệu Marketing như: tờ rơi, video quảng cáo, brochure, catalogue, website, landing page, Facebook fanpage, banner ads, email Marketing,…
Bộ nhận diện thương hiệu ngoài trời
Một phương thức hiệu quả mà doanh nghiệp có thể ứng dụng trong chiến lược gia tăng thị phần là ứng dụng bộ nhận diện thương hiệu ngoài trời. Bạn đã bao giờ nhìn thấy quảng cáo trên xe bus đang lưu thông trên đường chưa? Đó là một ví dụ cho bộ nhận diện thương hiệu ngoài trời mà chúng tôi đang nói đến!
Khi áp dụng vào biển hiệu công ty, biển hiệu trước văn phòng, biển hiệu đại lý, các khách hàng tiềm năng sẽ nhận thức được tại địa điểm đó có những sản phẩm, dịch vụ cụ thể nào. Đây cũng là một cách quảng cáo nhắc nhở hiệu quả đối với các khách hàng hiện tại của công ty.

Ngoài ra, để thu hút sự chú ý của khách hàng tiềm năng, bạn có thể sử dụng bộ nhận diện thương hiệu lên biển quảng cáo, phương tiện vận tải, phương tiện thi công,…
Một bộ nhận diện thương hiệu chuyên nghiệp có thể thúc đẩy kết nối giữa doanh nghiệp và khách hàng, xây dựng lòng trung thành của khách hàng và khẳng định được vị thế của thương hiệu trên thị trường. Seowiro hi vọng qua bài viết này các bạn sẽ có những phương pháp xây dựng thương hiệu hiệu quả cho doanh nghiệp của mình.